Lý Thường Kiệt - Trận đánh cuối cùng của nhà Tống trên sông Như Nguyệt (sông Cầu)

Dĩ bất biến, ứng vạn biến

Chủ tịch Hồ Chí Minh – người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà chính trị lỗi lạc , danh nhân văn hóa thế giới, đồng thời là nhà ngoại giao kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Để chỉ đạo hoạt động ngoại giao – một lĩnh vực hết sức gian khó do những đặc thù của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đề ra tư tưởng “ Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Nguyên tắc này không chỉ là bí quyết nhận thức , hành động hiệu quả của riêng Hồ Chí Minh mà còn trở thành cẩm nang trong nhận thức, hành động của cách mạng Việt Nam.

Ý nghĩa trong tư tưởng “ DĨ BẤT BIẾN, ỨNG VẠN BIẾN ” của Hồ Chí Minh

“ Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 5 – 1946 – thời điểm “Vận mệnh dân tộc ngàn cân treo sợi tóc” mà Người sang Pháp để cứu vãn nền hòa bình . Trước khi đi, người giao quyền chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng với lời dặn dò: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ và anh em giải quyết cho. Mong cụ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” (1) – lấy điều không đổi ứng phó với vạn điều thay đổi để thực hiện điều không đổi.

Theo nhà ngoại giao Vũ Dương Huân, “ Dĩ bất biến, ứng vạn biến ” không có nguyên trong sách cổ mà được suy ra từ Ngô Khởi binh pháp, thiên thứ 5 về ứng biến (2). Bằng câu nói mang âm hưởng văn hóa phương Đông, Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm phải kết hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ giữa Tính nguyên tắc, kiên định, vững chắc của mục tiêu chiến lượt với tính linh hoạt, uyển chuyển của sách lượt, giữa đường lối cách mạng và sách lượt cách mạng. Câu nói trên như một điển tích, điển cố giữa 2 người tri âm, tri kỷ trong một hoàn cảnh cụ thể đã vượt qua không gian và thời gian để trở thành nguyên tắc chỉ đạo tư tưởng, phương châm hành động và triết lý nhân sinh của dân tộc Việt Nam trên tinh thần Biện chứng.

“ Dĩ bất biến, ứng vạn biến ” – tư tưởng, phương pháp và phong cách của Hồ Chí Minh.

Với Hồ Chí Minh, tư tưởng, phương pháp, phong cách thường chung đúc làm một nên “dĩ bất biến, ứng vạn biến là sự cô đúc tất cả tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh” (3). Để hiểu được sự sâu sắc của tư tưởng, sự linh hoạt của phương pháp cách mạng và sự thống nhất trong phong cách tư duy và hành động của Hồ Chí Minh, chúng ta phải xác định điều gì là bất biến, điều gì là vạn biến cũng như mối quan hệ giữa bất biến và vạn biến trong quan niệm của Hồ Chí Minh.

Thứ nhất, điều bất biến trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Từ hoàn cảnh đau thương của một dân tộc bị mất nước và khát vọng giải phóng dân tộc của một con người yêu nước, điều bất biến đầu tiên trong tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập, tự do của dân tộc. Nếu như mỗi con người sinh ra đều có “quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” thì “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (4).

Từ quyền con người, Hồ Chí Minh đã nâng thành quyền dân tộc và cuộc đấu tranh vì “những lẽ không phải ai có thể chối cãi được” ấy đã trở thành mục tiêu bất biến trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh. Từ năm 1930, Nguyễn Ái Quốc soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng – cương lĩnh giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo mà tư tưởng cốt lõi là độc lập – tự do . Tháng 8 -1945, trong những điều kiện thuận lợi của lịch sử, Hồ Chí Minh đúc kết ý chí đấu tranh cho độc lập dân tộc, tự do của nhân dân ta bằng câu nói bất hủ: Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành được độc lập. Cách mạng Tháng Tám thành công, Người thay mặt chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng khẳng định trước thế giới: “ Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập đó (5).

Cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc Việt Nam diễn ra cũng vì mục tiêu bất biến mà Người đã khái quát thành chân lý “ Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Tuy nhiên, đối với Hồ Chí Minh độc lập dân tộc không phải là một khái niệm chung chung mà ngược lại, nó chứa đựng những nội hàm, tiêu chí cụ thể như độc lập dân tộc độc lập dân tộc phải gắn liền với Sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, với quyền dân tộc tự quyết, với sự ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân…Suy cho cùng, những tiêu chí đó chính là những khác vọng muôn đời của mọi dân tộc, mọi con người. Thấu hiểu khát vọng ấy, thực tiễn hóa những khác vọng ấy thành mục tiêu bất biến của cách mạng và của chính cuộc đời mình là điều chỉ có ở các vĩ nhân.

Điều bất biến thứ hai của Hồ Chí Minh là chủ nghĩa xã hội. Việc lựa chọn con đường cách mạng là điều rất quan trọng vì chính nó sẽ quyết định giai cấp lãnh đạo, lực lượng cách mạng và định hướng phát triển của dân tộc. Khi lựa chọn con đường Cách mạng vô sản để giải phóng dân tộc thì Hồ Chí Minh đã gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa con đường cứu nước của Hồ Chí Minh với con đường cứu nước của các sĩ phu yêu nước trước đó. Hồ Chí Minh gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội bởi Người nhìn nhận chủ nghĩa xã hội không chỉ là kết quả tất yếu do sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất, mà còn là con đường duy nhất để giải phóng dân tộc, để xây dựng một xã hội phát triển cao hơn và tốt đẹp hơn so với chủ nghĩa tư bản. Người viết: “ Dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” (6).

Góc nhìn này của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội cho phép giải thích sự ra đời của chủ nghĩa xã hội ở một nền kinh tế tiền tư bản chủ nghĩa như Việt Nam. Vì thế, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam “Vừa có lý, vừa có tình. Lý ở đây là quy luật, là khoa học. Tình ở đây là chất nhân văn, nâng niu giá trị con người” (7). Mặc dù cái gọi là chủ nghĩa xã hội từng hiện hữu trên trái đất này chưa đạt tới những giá trị tốt đẹp như trong quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – LêNin và Hồ Chí Minh, song không vì thế mà chủ nghĩa xã hội không còn là khác vọng và định hướng của những con người và những dân tộc đang trong thời kỳ quá độ đi đến đó.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, điều bất biến thứ nhất là độc lập dân tộc dẫn đến điều bất biến thứ hai là chủ nghĩa xã hội nên người yêu cầu “ Yêu tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội vì có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm” (8). Với tư tưởng “Độc lập dân tộc kết hợp với chủ nghĩa xã hội”, Hồ Chí Minh đã tìm ra quy luật vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam – một quy luật “Thuận với chiều hướng tiến hóa của nhân loại” (9), phù hợp với yêu cầu giải phóng của xã hội Việt Nam nói chung và của mỗi con người nói riêng và vì vậy, Người đã mở ra thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc.

Thứ hai, điều vạn biến trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chúng ta nhận thấy rằng, mục tiêu cao nhất của cuộc cách mạng cũng như của một đời người thường kết tụ trong một vài nội dung cốt tử nhưng con đường, biện pháp, sách lượt để đi đến nó lại vô cùng phong phú và đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, vì “Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”. Đối với Hồ Chí Minh, trừ hai điều bất biến kể trên thì tất cả là vạn biến được thể hiện, thực hiện trong thời điểm và trên mọi lĩnh vực của cuộc đấu tranh cách mạng. Với sự thông tuệ và trải nghiệm sâu sắc, Hồ Chí Minh từng xác định: “Mục đích bất di, bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lượt của ta thì linh hoạt” (10)

Người đã xử lí một cách hoàn hảo mối quan hệ giữa hai vấn đề tưởng chừng đối lập: Tính kiên định về nguyên tắc, lý tưởng, niềm tin và tính linh hoạt , uyển chuyển trong phương pháp tư duy và hành động. Điều đó làm nên phong cách Hồ Chí Minh: Vô cùng linh hoạt, quyền biến nhưng không xa rời nguyên tắc; Vô cùng cương nghị, cứng rắn về những vấn đề nguyên tắc, nhưng không sơ cứng, sáo mòn……Ví dụ: Mặc dù xác định chủ nghĩa xã hội là điều bất biến của cách mạng Việt Nam nhưng Hồ Chí Minh cũng thấu hiểu rằng, do đặc điểm lịch sử của mỗi nước khác nhau nên con đường và biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước sẽ khác nhau. Người mạnh dạn tuyên bố: Trong cách thức xây dựng chủ nghĩa xã hội, “ Làm khác Liên xô, Trung quốc cũng là Mác xít”, “Dĩ bất biến ứng vạn biến” chính là thế.

Cùng mục tiêu bất biến là chủ nghĩa xã hội nhưng mỗi dân tộc sẽ đi đến đó bằng những cách khác nhau. Tuy nhiên, muốn giữ vững và nhất quán với bất biến, con người phải có sự nhạy cảm và năng lực sáng tạo để thực hành cái khả biến trong mọi hoàn cảnh và tình huống. Phải nhạy cảm mới nhận ra sự thay đổi của hoàn cảnh lịch sử, phải sáng tạo mới tìm ra thượng sách để giải quyết những bài toán không có trong tiền lệ… Bằng sự linh hoạt kỳ lạ của mình, Hồ Chí Minh đã chứng minh chân lý. Làm cách mạng không chỉ cần “đúng” mà còn phải “khéo”; không chỉ là lập trường, quan điểm mà còn là nghệ thuật, mưu lượt.

Đúng như một nhà báo Pháp đã nhận xét: Chính sự kết hợp mà không ai bắt chước nổi với tính cương nghị, giữa tính linh hoạt về chính trị với tính cứng rắn về nguyên tắc, giữa việc vận dụng truyền thống yêu nước và việc phân tích Mácxít đã tạo nên tính chất độc đáo của ông Hồ Chí Minh” (11). Không chỉ là đặc điểm, là điều độc đáo, “ Dĩ bất biến, ứng vạn biến” còn là sức manh của chính trị gia thiên tài Hồ Chí Minh.

Tham khảo

Bài đăng trên tạp chí Triết học số 10

(1) Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, t.3. Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr216
(2) Vũ Dương Huân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao. Hà Nội, 2005, tr87
(3) Hoàng Chí Bảo, văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh – giá trị và ý nghĩa. Tạp chí Cộng sản, Số tháng 5 – 2005
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.3. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.555
(5) Hồ Chí Minh, Sđd, t4, tr. 496
(6) Hồ Chí Minh, Sđd, t.10, tr. 128
(7) Hoàng Chí Bảo, Minh Triết Hồ Chí Minh, Tạp chí văn hóa học, số 1 – 2012, tr.9
(8) Hồ Chí Minh, Sđd, t.9, tr. 173
(9) Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh – tinh hoa và khí phách dân tộc. Nxb Chính trị Quốc gia, 2012, tr.36
(10) Hồ Chí Minh, Sđd, t.7, tr 319
(11) Dẫn theo Song Thành. Hồ Chí Minh – nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2009, tr336

Avatar
Vu Bao Nhu
Technology Enthusiast, AI/IOT Leader

My research interests include distributed robotics, mobile computing and programmable matter.

comments powered by Disqus